Nhìn vào những bức tranh chân thực của hoạ sĩ người Anh gốc Nga Dirk Dzimirsky, bạn có thể nghĩ đó là những bức ảnh đen trắng.
Nhưng khi nhìn thật gần, thật sát, bạn sẽ nhận ra đó là những tác phẩm của một hoạ sĩ tài năng. Ông sử dụng những bức ảnh chụp để truyền cảm hứng về một nhân vật. Sau đó, Dzimirsky sử dụng các lớp chì với độ đậm nhạt khác nhau nhưng đều chuẩn xác tới mức những bức tranh đều trở thành những bức chân dung thật như ảnh chụp.
Những bức ảnh này được thực hiện rất kỳ công và tốn thời gian. Dzimirsky sử dụng yếu tố ánh sáng và đổ bóng để vẽ nên những bức hình siêu thật này. Ông chú ý đến từng chi tiết nhỏ như một nếp nhăn trên da hay một giọt nước lấp loáng trên răng… Theo hoạ sĩ Dzimirsky, những chi tiết này giúp khắc hoạ nội tâm của nhân vật và những nét riêng có trong mỗi tác phẩm.
“Nhà văn khắc hoạ chi tiết về nhân vật bằng ngôn từ, bằng cách phân tích tâm lý, tôi dùng nét bút, dùng cách khắc hoạ bằng hình ảnh nhưng không chỉ đơn thuần là hình thức bên ngoài mà quan trọng hơn là cả nội tâm bên trong. Ánh sáng phản chiếu trên mớ tóc, khoảng thẫm ở quầng mắt hay những giọt nước lăn từ trên trán xuống đều phải được quan tâm.”
Hoạ sĩ cho biết ông thích cách vẽ tranh này bởi nó khiến người xem ngạc nhiên và trầm trồ thán phục. Được nhìn vẻ ngỡ ngàng đó của họ khiến ông rất hạnh phúc. “Tôi thích việc tô lên vải vẽ từng tầng từng lớp chì màu với những nét phác và điểm nhấn tương tác với nhau tạo thành một tổng thể hài hoà. Trong quá trình vẽ tôi luôn có những sáng kiến mới, phát triển bức tranh theo những hướng khác nhau, chuyển động đưa bút không ngừng biến đổi theo trải nghiệm cảm xúc với nhân vật. Quá trình đó diễn ra sâu sắc, chứa đựng sự sáng tạo và óc tưởng tượng đầy thú vị.”
Tuy những bức tranh này được lấy cảm hứng từ những tấm ảnh chụp nhưng sắc thái biểu cảm của nó thì không giống hệt nguyên mẫu. Tranh trông giống y như thật nhưng không phải là một tấm ảnh thứ hai phiên bản lớn. Hoạ sĩ cho biết mỗi bức hình đều được lồng vào một cảm xúc, cảm nhận khác và khi hoàn thành một bức tranh, nó chắc chắn có chiều sâu hơn bức ảnh.
Để thực hiện được một bức tranh dạng này ông ví như mình đang tiếp xúc với cái vỏ ngoài của nhân vật trong tấm ảnh và đi sâu, sáng tạo ra nội tâm của họ, đời sống, tâm tư, tình cảm của họ trong quá trình thực hiện tác phẩm. Có lúc ông lược đi một vài chi tiết, có lúc lại thêm vào để gây ấn tượng hơn về nội tâm nhân vật. Tác phẩm của hoạ sĩ Dzimirsky đã được triển lãm tại các phòng tranh ở Anh, Đức, Mỹ và rất được yêu thích.