Từ trên đỉnh cao quyền lực, Erich Honecker, người đứng đầu Đảng Cộng sản Đông Đức trong gần 20 năm, rơi nhanh xuống hoàn cảnh bi đát - không sức khỏe, không tiền bạc, không bạn bè,và không chốn dung thân- sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Trong khi chờ ra tòa về tội phản bội và lạm dụng quyền lực, ông được tòa cho tại ngoại vì sức khỏe yếu. Nhà ông đã bị chính quyền cộng sản cải cách lấy. Không ai dám chứa chấp ông vì ông là người bị căm ghét nhất ở Đông Đức. Mọi người, kể cả các đồng chí đảng viên đảng cộng sản Đức, quay lưng lại với ông. Chẳng ai muốn dính dáng gì đến vợ chồng ông. Tuy không phải ở tù vì sức khỏe yếu, nhưng ông cần một nơi để tá túc và dưỡng bệnh sau khi mổ khối u ung thư.
Honecker chẳng biết đi về đâu. Qúa tuyệt vọng, thông qua luật sư của mình ông nhờ Giáo Hội Tin Lành giúp đỡ tìm nơi tạm trú cho vợ chồng ông trong thời gian chờ ra tòa. Vào ngày 30 tháng Giêng, 1990 Honecker và vợ ông, Margot xuất hiện trước cửa nhà mục sư Uwe Holmer ở làng Lobetal. Mục sư đã tự nguyện cho hai vợ chồng ông ở tạm trong nhà mình.
Chẳng bao lâu nhiều người trút giận dữ lên gia đình mục sư Uwe Holmer vì ông đã mở cửa cho vợ chồng Honecker vào nhà. Họ biểu tình phản đối ngay trước cửa nhà ông, gọi điện thoại chưởi bới gia đình ông, gởi thư hăm dọa đến nhà ông, và đe dọa đặt bom và ngưng đóng góp cho nhà thờ ông quản nhiệm.
Hai ngày sau khi vợ chồng Honecker dọn đến, mục sư phải ra trước nhà của mình để phân trần với những người biểu tình. Ông nói: "Đây là điều phải ta nên làm cho một người già, bệnh hoạn. Khi chúng tôi cầu nguyện để xin tha thứ tội lỗi của mình và tha thứ những người có tội với chúng tôi, chúng tôi phải theo những điều răn này một cách nghiêm túc."
Một ông già bất ngờ la to: "Ông hãy nghe đây, điều ấy chẳng phải là quan trọng nhất." Ông ta là người về hưu và cùng với vợ đã lái xe một tiếng rưỡi đồng hồ từ Đông Berlin đến Lobetal để bày tỏ sự phẫn nộ của ông là Honecker đã không ngồi trong nhà tù lạnh cóng và ẩm ướt. "Thử nghĩ xem, Honecker đánh phá giáo hội suốt 40 năm trời thế mà giờ đây họ còn cho hắn ăn ở nữa. Họ nên giam hắn như những kẻ khác. Hắn nên buộc phải thấy tất cả những đau khổ do hắn gây ra."
Mục sư Holmer lặng lẽ đứng nghe đám đông tập hợp lại để phản đối sự hiện diện của Honecker ở trong nhà ông. Nghe xong, ông đáp "Nhưng Đức Chúa Jesus dạy yêu kẻ thù của mình. Tôi không thể nào bỏ mặc một người lang thang ở ngoài đường cho dù người ấy đã làm những điều sai trái."
Sau này trong tuyên bố chính thức giải thích việc giúp đỡ cho vợ chồng Honecker trong hoàn cảnh ngặt nghèo của họ, Giáo hội chỉ ra rằng những bất công và những vi phạm nhân quyền dưới chế độ Honecker thường được những người không cộng sản chấp nhận trong im lặng. Do vậy "trách nhiệm cho hoàn cảnh hiện nay của đất nước này là trách nhiệm của tất cả mọi người." Cùng ý tưởng ấy mục sư Holmer diễn đạt cụ thể hơn: "Vợ tôi và tôi tin rằng thật là sai trái khi tất cả yếu đuối, tất cả sai lầm, và tất cả tội của thời quá khứ đều trút hết lên vai của một người." Hay nói cách khác, xét cho cùng, tội lỗi của chế độ là tội lỗi ít nhiều của tất cả mọi người từng sống dưới chế độ.
Về sau mục sư Uwe Holmer giải thích cho nước Đông Đức lý do ông thương xót Honecker trong lá thư gởi tờ báo Đông Đức Neue Zeitung:
"Ở Lobetal" ông viết, "có bức tượng Đức Chúa Jesus mời mọi người đến với Người và kêu lên rằng: "Hãy đến với ta hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng, và ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức." Đức Chúa Jesus răn dạy chúng tôi theo gương Người và đón nhận những ai mệt mỏi và vác nặng, về tinh thần và về thể xác, nhưng đặc biệt những kẻ không nhà."
Mục sư nói ông luôn luôn phân biệt giữa con người và chính trị. Từ đấy ông thấy mình làm điều đúng vì ông thấy cho dù tàn ác, Honecker vẫn là con người, và quan trọng hơn theo ông "đây là con người cần được giúp đỡ, chúng tôi không thể khiến cho ông thất vọng. Đức Chúa Jesus cũng không khước từ ông."
Nhưng đa số mọi người không biết rằng khi mở cửa đón vợ chồng Honecker. Mục sư Uwe Holmer đã thật sự tha thứ tất cả những gì mà Honecker, biểu tượng chính của chế độ áp bức và thối nát, đã hại chính gia đình của ông trong suốt hàng chục năm trời.
Dưới chế độ chuyên chế của Honecker, giống như nhiều người khác theo đạo, gia đình ông phải sống bên lề xã hội và bị tước bỏ tất cả các quyền lợi dành cho tất cả các công dân khác. Họ thường xuyên bị nghi ngờ là thành phần phản động vì họ không chịu vào đảng cộng sản. Chỉ vì không từ bỏ đức tin, gia đình họ gánh chịu nhiều bất công và đau khổ dưới chế độ mà Honecker đứng đầu. Chẳng hạn, tám nhân viên mật vụ Stasi ở Lobetal thường xuyên theo dõi và báo cáo công việc và đời riêng của mục sư.
Trong suốt gần ba mươi năm Bộ Giáo dục Đông Đức không cho tám người con của ông được theo học đại học vì gia đình theo đạo. Người đứng đầu Bộ Giáo dục trong những năm ấy lại chính là Margot, vợ của Honecker.
Còn cha mẹ và anh chị em của mục sư Uwe Holmer đã đào thoát sang Tây Đức sau khi cha ông vì theo đạo mà mất việc làm. Chính Honecker dựng lên Bức tường Berlin, bức tường đã chia lìa ông với gia đình và khi cha ông qua đời ông không thể nào đến để đưa tiễn cha lần cuối cùng.
Mục sư cũng còn nhìn thấy dưới thời Honecker cảnh đất nước bị chia cắt, những người bị bắn chết khi cố vượt tường, môi trường bị tàn phá và trải nghiệm biết bao khó khăn, bất công, và áp lực mà chế độ áp đặt lên giáo hội và lên ông và gia đình.
Tuy nhiên, xuất phát từ lòng trắc ẩn và đức tin, ông đã mở cửa đón vợ chồng Honecker vào nhà mình. Tuy nhiên ông tha thứ nhưng không ân xá Honecker vì theo ông Honecker "phải chịu trách niệm về những điều ông ta đã làm, nhưng tôi trong lòng không còn muốn oán hận ông. Tha thứ làm cho tôi thanh thản và nhẹ người hơn."
Nhiều năm sau, mục sư Holmer giải thích rõ ràng và sâu sắc hơn lý do ông mở cửa cho họ vào nhà và lý do ông tha thứ cho các viên chức cộng sản và những nhân viên mật vụ Stasi dù những người này đã không biểu lộ sự hối hận về những việc làm sai trái trước đây của họ.
"Rõ ràng quả là tốt đẹp hơn nếu người khác ăn năn. Nhưng tha thứ chỉ có nghĩa là giải thoát những gì đã nhiễm độc trong lòng mình. Còn người khác nên xử sự như thế nào khi nhận được sự tha thứ của tôi, tôi phó thác vào tay Chúa. Tôi chỉ tống khứ chất độc đó đi, và không còn nhớ quá khứ nữa, không còn hành hạ tinh thần mình nữa. Tôi biết điều này rất là khó, đặc biệt đối với những người đã bị trấn áp chính trị, hay những gia đình có người thân bị bắn chết ở bức tường. Nhưng ta trở thành người tù của lòng thù hận nếu ta không tha thứ cho những kẻ phạm tội. Nạn nhân phải tha thứ để họ không trở nên thù oán hơn. Những nạn nhân trong lòng vẫn còn chất chứa căm hận và thù oán từ quá khứ rồi sẽ bị bệnh."
Hận thù không giết chết nhân ái trong tim người. Và tương lai của dân chủ sau bóng đêm độc tài khởi đi chắc chắn từ niềm yêu thương giữa người và người ấy.
Tài liệu tham khảo chính
1. Craig R. Whitney, Upheaval in the East: the Germans; For an Ailing Honecker, Two Strange Bedfellows, New York Times 2/2/1990
2. Marc Fisher, Hot on Honecker's Heels, Washington Post 2/2/1990
3. Mihaela Mihai &Mathias Thaler, On the Uses and Abuses of Political Apologies, trang 189, nhà xuất bản Palgrave Macmillan, Anh.