Tìm Kiếm

8 tháng 11, 2014

Chúa Nhật XXXII TN: Anh Em Là Ngôi Nhà Thiên Chúa Xây Lên

Ed 47,1-2.8-9.12;  Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22

Tin Mừng Ga 2, 13-22: "Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".


Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. 

Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi". Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Kính thưa quý vị,

Tại một lớp tiếng Anh dành cho sinh viên năm nhất, tôi được học rằng phần mở đầu của một tác phẩm sẽ định hình cho toàn bộ tác phẩm đó. Chẳng hạn, chúng tôi dành hai buổi học để tìm hiểu đoạn văn mở đầu cuốn tiểu thuyết “Absalom, Absalom!” của tác giả William Faulker. Vị giáo sư nói rằng đúng ra chúng tôi phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu đoạn văn này, “nhưng chúng ta phải đi tiếp.” Chúng tôi được biết đoạn văn mở đầu xác định thể loại văn chương của tiểu thuyết, đồng thời gợi ý cho toàn bộ diễn tiến của câu truyện sắp xảy ra, cho đến khi kết thúc.

Đây không phải là lớp văn chương, mà là về Kinh Thánh. Thế nhưng, các sách Tin Mừng cũng là những sáng tác văn chương. Tìm hiểu các sách Tin Mừng dưới khía cạnh văn chương có thể giúp chúng ta sáng tỏ hơn vấn đề. Trình thuật Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ ở ngay khởi đầu của Tin Mừng Gioan, nên chúng ta có thể truy tìm manh mối, không chỉ về đoạn văn, mà còn là cách đoạn văn gợi ý cho toàn bộ Tin Mừng, từ đầu đến cuối.

Vị trí của câu truyện ở ngay đầu Tin Mừng gây sự chú ý trong trình thuật sứ vụ của Đức Giêsu. Cả ba thánh Mátthêu, Máccô và Luca đều đặt trình thuật này sau khi Đức Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, ngay trước lúc Ngài chịu khổ nạn và chịu chết. Với bất động sản, người ta lưu tâm đến “vị trí đắc địa.” Trong trường hợp của chúng ta, câu chuyện thanh tẩy Đền Thờ ở ngay phần mở đầu Tin Mừng Gioan tạo nên sắc thái cho toàn bộ Tin Mừng.

Đức Giêsu lên Giêrusalem dự Lễ Vượt qua, một trong ba Lễ Vượt qua của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan. Người vào Đền Thờ cho nghi thức thanh tẩy, theo phong tục, để chuẩn bị mừng Lễ. Tiến vào khu vực xung quanh Đền Thờ, Người thấy những kẻ đang bán súc vật và đổi tiền, là những sinh hoạt cần thiết thường ngày ở Đền Thờ. Súc vật cần cho việc hiến tế và tiền dân ngoại phải được đổi thành tiền Do Thái để nộp thuế cho Đền Thờ. Vì thế, các dịch vụ của những người buôn bán là cần thiết cho những hoạt động lễ hội hàng ngày trong Đền Thờ.

Vậy vấn đề đối với Đức Giêsu là gì? Người đuổi những người buôn bán và nói với họ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây…”. Đó là một vấn đề khác về nơi chốn. Việc buôn bán súc vật và đổi tiền thường diễn ra ở những nơi khác ngoài Đền Thờ, nhưng thượng tế Caipha đã cho phép những hoạt động này diễn ra ngay trong phạm vi Đền Thờ. Nhưng đó không phải là cách thức mà các ngôn sứ đòi phải tuân thủ cho Đền Thờ. Sách ngôn sứ Dacaria kết thúc bằng những lời sau: “Mọi nồi niêu ở Giêrusalem và ở Giuđa sẽ được thánh hiến cho Đức Chúa các đạo binh. Tất cả những người dâng hy lễ sẽ đến lấy những nồi niêu đó mà nấu nướng. Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (14,21).

Đức Giêsu đang hành động như thị kiến tiên tri của ngôn sứ Dacaria về thời cánh chung, khi ấy sẽ không còn các lái buôn trong Nhà Thiên Chúa nữa. Những hành động của Đức Giêsu công bố thời gian hoàn tất đã đến, như lời các ngôn sứ đã báo trước.

Các môn đệ quan sát những gì đang diễn ra và giải thích những hành động của Đức Giêsu qua Thánh Vịnh 69: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Đó là Thánh Vịnh than vãn, biểu lộ niềm tin qua lời cầu nguyện của một người nào đó, người này hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, sống tách biệt với gia đình và cộng đoàn, đồng thời trở thành mục tiêu cho người ta nhạo báng và nhục mạ. Chúng ta sẽ khám phá điều này nhiều hơn nữa trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu khi đọc hết Tin Mừng Gioan. Những gợi ý ở phần kết đã được trình bày ngay ở phần mở đầu. Khi Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, những hình ảnh trong Thánh Vịnh 69 liền gợi lại. Chẳng hạn như câu “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69,22).

Đền Thờ rốt cuộc sẽ bị phá huỷ, nhưng Đức Giêsu ban tặng chính Người cho chúng ta, Đền Thờ đích thực, ở đó người ta chú tâm vào sự hiện diện và thánh thiện của Thiên Chúa. Địch thù nhạo báng Đức Giêsu rằng làm cách nào mà nội ba ngày Người có thể xây dựng lại Đền Thờ vốn đã phải mất 46 năm mới xây xong? Khi Đền Thờ bị phá huỷ, người tín  hữu có thể tìm kiếm và thờ phượng Thiên Chúa đích thực ở đâu? Ngay khởi đầu của bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã trả lời cho vấn đề này. Đức Giêsu chính là nơi Thiên Chúa cư ngụ và là Đền Thờ sống động được nâng lên từ cõi chết. Chúng ta không còn xem những dinh thự bằng đá là nơi cho sự hiện diện Thiên Chúa ở trần gian này; nhưng thân thể nát tan của Đức Giêsu trên thập giá  mới chính là nơi Người hiện diện. Người vừa là thượng tế, vừa là của lễ đáng được Thiên Chúa đón nhận.

Chúng ta – các Kitô hữu – khám phá một cách hiểu mới về Đức Kitô và về cộng đoàn của mình khi Đền Thờ vật chất không còn tồn tại. Chúng ta gọi chính mình “Hội thánh”, nhưng chúng ta không phải là một toà nhà, mà là một thân thể gồm những tín hữu được gắn kết với nhau bằng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. “Toà nhà” mới này bao gồm tất cả mọi người. Không ai bị loại trừ hay bị cách ly vì mọi dân tộc đều có thể phụng thờ trong Đền Thờ. Hôm nay, thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” Những thù ghét trước đây đã được hoá giải nơi Đức Kitô, và chúng ta là toà nhà sống động, Thánh Thần Thiên Chúa ngự bên trong và ở giữa chúng ta.

Vậy làm cách nào chúng ta có thể nói về Đền Thờ được thay thế bởi thân thể Đức Giêsu, đồng thời vẫn còn đang cử hành lễ mừng một “đền thờ” bằng đá ở Rôma. Tại sao chúng ta mừng lễ một toà nhà? Đền Thờ thánh Gioan Latêranô là một trong bốn Đền Thờ chính ở Rôma (cùng với  Đền Thờ thánh Phêrô, Đền Thờ Đức Bà Cả và Đền Thờ thánh Phaolô ở ngoại thành). Vùng đất này do một gia đình Rôma sở hữu và bị Consatantin chiếm đoạt. Đền thờ Basilica xây cất trên mảnh đất này đã được thánh hiến cho thánh Gioan Tẩy giả, rồi thánh Gioan, tác giả sách Tin Mừng, và cho Đức Chúa chúng ta. Buổi lễ hôm nay ghi dấu sự cung hiến đền thờ, nhưng quan trọng hơn nữa là hôm nay chúng ta cử hành Hội Thánh được xây lên bởi những viên đá sống động.

Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên…” Hôm nay, thánh Phaolô trình bày với cộng đoàn các tín hữu là để nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa không ngự trị trong toà nhà được trang hoàng nguy nga lộng lẫy, nhưng Thiên Chúa ngự trị nơi những người thánh thiện, ở đó Người đến sống giữa chúng ta. Nếu chúng ta là “ngôi nhà của Thiên Chúa”, thì đây không phải là một thực tại nửa vời. Ở đây, thánh Phaolô sử dụng hình ảnh ẩn dụ để nói về đời sống các Kitô hữu, cũng tương tự với điều đã được ngài nói đến trong thư Rôma (12,1): “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động”.

Đó chẳng phải là thách đố cho chúng ta sao? Những cá nhân chúng ta tồn tại và phát triển với tư cách là một cộng đoàn không phụ thuộc vào một nơi chốn hay toà nhà bằng đá. Những ngày này, chúng ta lo lắng về việc đến nhà thờ đang giảm sút, nhất là các bạn trẻ. Chúng ta sẽ tồn tại cách nào? Người ta có thể không đến nhà thờ nữa, nhưng vẫn “đi lễ” khi họ cảm nghiệm Thiên Chúa vẫn đang cư ngụ nơi những người tin. Vì thế, chúng ta cần lưu tâm đến cách cư xử của mình trong cộng đoàn các tín hữu và với những người không cùng niềm tin với chúng ta, vì họ đang lắng nghe và quan sát chúng ta.

Trước kia, người Do Thái, kể cả Đức Giêsu, đã rất tôn kính Đền Thờ. Ngày nay, cộng đoàn trở thành tâm điểm của sự tôn kính đó. Trước đây, những người tin không nên làm điều gì gây phá huỷ hay xúc phạm Đền Thờ; ngày nay, đời sống và cộng đoàn chúng ta cũng không được làm bất cứ điều gì xúc phạm đến nơi thánh là nhà thờ. Đôi khi chúng ta có vẻ quan tâm nhiều đến lễ phục, bố trí bình hoa và cung thánh hơn là cách thức chúng ta cư xử với những người xung quanh. Nếu Đền Thờ của chúng ta là thánh, thì chúng ta phải phản chiếu sự thánh thiêng đó bằng chính đời sống thánh thiện, được biểu lộ cho thế gian qua cách thế chúng ta đối xử với nhau.

Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ