Tìm Kiếm

21 tháng 10, 2014

Khi cái ác leo thang

Tấm ảnh mà nhà báo Phương Nam (báo Pháp luật TPHCM) đưa lên trang cá nhân của mình khiến ngay cả đồng nghiệp của anh -vốn đã quen với các tin tức an ninh trật tự cướp giết hiếp- cũng phải giật mình. Trong ảnh có sáu thanh "đại đao" tự chế, cán bằng ống tuýp sắt hàn chắc vào một lưỡi đao. Chúng dài phải hơn một mét. Tác giả cho biết đây là hung khí của hai nhóm côn đồ giành giật lãnh địa gì đó, đã bị công an bắt.
Bắt được bọn cướp chó, người dân đốt trụi phương tiện của chúng mà không chờ sự phán xét của pháp luật. Ảnh nld.com.vn

Tôi hình dung cảnh người ta vung những thanh "đại đao" nặng trịch, sắc lẻm đó để chém xả vào da thịt lẫn nhau mà rùng cả mình. Tàn độc, sắt máu như thế lẽ ra chỉ có trong phim bạo lực hoặc về chiến tranh thời trung cổ thôi chứ, sao nó lại tồn tại ngang nhiên giữa thời này, xã hội này? Có phải bạo lực đang ngày một leo thang, ngày một trắng trợn?

Ví dụ rõ nhất là nạn cướp chó. Từ nhiều năm nay, do không bị trừng phạt thích đáng, những kẻ trộm chó đã biến thành cướp chó, hoạt động ngang nhiên miền quê nào, tỉnh thành nào cũng có. Ban đầu chỉ là lừa thắt cổ những con chó đi rông ngoài đường mang đi. Rồi khi người dân phản ứng lại, rộ lên những vụ cả làng ùa ra đánh kẻ trộm chó thì chúng cũng nâng cấp sự hung hãn.

Chúng đi thành nhóm, mang theo ớt bột, lựu đạn, kiếm, mã tấu, súng. Chúng có đường dây chế tạo súng bắn điện từ bình ắc quy xe máy (để bắn chó và bắn luôn người ngăn cản), có hệ thống quán ăn tiêu thụ chó cướp được. Người nào ngăn cản, chúng đe dọa sẽ quay lại xử bằng được.

Lục lại báo chí, tôi thống kê khoảng vài chục người đã bị bọn cướp chó bắn chết. Có những vụ thương tâm như vụ cả ba thanh niên bị bắn dẫn đến tử vong cùng lúc ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM mới giữa tháng sáu vừa qua.

Vậy là bạo lực nối tiếp bạo lực. Bây giờ khi bắt được bọn cướp chó, người ta không chỉ đánh bị thương nữa. Người ta ùa vào đánh chúng kỳ chết. Cái xe đi ăn cướp cũng bị đổ xăng đốt trụi. Thậm chí có vụ kẻ cướp chó bị đánh chết rồi thiêu xác luôn trong đêm mà không biết ai xuống tay, sáng ra người đi làm đồng chỉ còn nhìn thấy cái xác bên cạnh cái xe máy và hung khí cháy đen co quắp.

Không chờ pháp luật nữa, với những vụ cướp chó, nhiều người dân sẵn sàng vi phạm pháp luật để "thế thiên hành đạo". Vụ cả làng làm đơn nhận là thủ phạm đánh chết trộm chó ở Quảng Trị vào cuối năm ngoái dẫn đến sự bối rối cho các cơ quan tố tụng là một ví dụ rõ nét.

Còn rất nhiều những sự việc tương tự.

Dường như ngày càng nhiều cá nhân tự cho phép mình đẩy lùi những giao ước xã hội. Người dân vi phạm pháp luật ngang nhiên hơn. Số vụ công an bị phát hiện dùng nhục hình với nghi can nhiều hơn. Số người thực hiện pháp luật trơ tráo ra giá và nhận hối lộ công khai hơn. Nhiều quan chức phát ngôn những câu nói thiếu suy nghĩ hơn. Xã hội như đang quay cuồng về thái cực xấu, ngày một xấu nhanh hơn và trầm trọng hơn. Pháp luật dường như ngày càng kém hiệu lực hơn.

Không thể tránh né mối liên hệ chặt chẽ giữa những vụ tham nhũng ngày càng khổng lồ với thực trạng xã hội ngày càng tan nát. Khi người dân (hoặc cấp dưới) so sánh hành vi vi phạm của mình với mức độ tham nhũng của các quan chức cỡ lớn thì họ tự trấn an rằng mình chẳng thấm vào đâu, thậm chí sẽ khôn ngoan hơn nếu tranh thủ gỡ lấy ít lợi lộc cho bản thân. Khi người dân bắt đầu nghi ngờ rằng pháp luật phục vụ tốt hơn cho người giàu có và thế lực thì họ sẽ thiên về dùng nắm đấm và hung khí thay cho cậy nhờ luật pháp.

Nhưng không một ai trong xã hội, kể cả người giàu có và thế lực lại còn được an toàn, khi cái ác leo thang.
Hoàng Xuân
---

Ý KIẾN BẠN ĐỌC:

Thi
Bài viết hay, các phản hồi càng hay. Mọi người ai cũng thấy đạo đức đang đi xuống, niềm tin trong người dân đang mất dần. Người có tiền, có quyền, có sức mạnh đang hoành hành và củng cố thế lực của mình. Buồn quá. Toàn là những lời lẽ đẹp đẽ nhưng chỉ là lý thuyết, cũng như cha dạy con không được nói dối nhưng hàng ngày cha vẫn nói dối trước mặt con. Con nói dối thì đổ lỗi cho xã hội.

Phúc
Bài báo tâm huyết đã nói lên tiếng nói của xã hội.
Quá chán nản và mất niềm tin!
  

Từ Nguyên Vũ
Cảm ơn tác giả bài báo! Rất đời thường nhưng phân tích sâu sắc. Không như mấy bài báo về ca sĩ này, nhà giàu nọ đang nhan nhản, rẻ tiền.

tran hoang vi
Có con chó giữ nhà mà cũng bị cướp.
Hiện tại kẻ cướp ngày càng nhiều, dân chịu hết nổi, báo chính quyền mất con chó, không được giải quyết với câu: "Có con chó, con gà làm gì phải báo cáo, mất thì thôi", rồi thì bỏ qua 1 lần, 2 lần, 3 lần! Có ai nghĩ là sẽ tiếp tục bị mất gà, mất chó nữa không? Có nhiều, vì an ninh không tốt.
Hiện tại ở quê trộm cắp hoành hành, công an làm ngơ, đó là do Nhà nước xem là việc nhỏ, không đáng. Vì vậy mà trộm cắp càng hoành hành. Lỗi tại ai?
Hiện ở An Thạnh, huyện Bến Cầu - Tây Ninh có 1 nhóm chuyên trộm chó, gà, vịt của dân. Nhiều người đã báo chính quyền nhưng có làm được gì đâu. Vì vậy mà có ngày bức ảnh như thế này được đăng lên. Cám ơn tác giả bài báo.
  

trang
Nạn cướp chó mà trông chờ vào sự xử lý của pháp luật ư? Còn khuya mới được quan tâm. Con chó họ định giá vài trăm ngàn, chưa đến ngưỡng khởi tố. Mấy tay trộm chó đa phần là nghèo, không thể... làm tiền chúng được, nên có bắt được chúng giao cho chính quyền, họ cũng chỉ "giáo dục" rồi thả về, như cóc bỏ đĩa vậy. Bọn cướp chó đã quen cảnh bắt bớ nên lờn thuốc, chúng càng cướp nhiều hơn, manh động hơn.

Mẫn
Nếu pháp luật công bằng và nghiêm minh hơn trong những vụ việc như cướp chó, trộm gà, trộm gia súc có trang bị vũ khí thì chắc chắn người lương thiện sẽ không phẫn uất mà tự hành xử những kẻ ngang nhiên kia.
Luật pháp xử nhẹ những tội này có đồng nghĩa với nuôi dưỡng tội phạm hay không?
  

quang
Xã hội cần một cuộc thay đổi toàn diện. Nếu cứ với tình trạng, sớm muộn cũng sẽ loạn...

le nguyen nhu hau
Bài báo hay, đúng thực tế, không bình luận gì thêm. Chúc nhà báo vui khỏe, thành công!
  

huy
Lâu rồi mới được đọc một bài báo đúng nghĩa. Những vấn đề như thế này bây giờ báo chí toàn giật tít vớ vẩn, bé xé ra to, không có giá trị.

trung
Lâu lâu mới đọc được bài báo hay! Quá đúng với thực trạng hiện nay.
  

khanh linh
Bài viết rất hay và đúng với xã hội Việt Nam.

Ton Anh
Cái ác đang trở thành vết dầu loang trong xã hội.
  

Nguyen Van Tiep
Cuộc sông bấy giờ sao nhiều nỗi lo thế? Lo tai nạn giao thông, lo bị cướp bóc, đâm chém. Cứ nghĩ đến cảnh người ta sẵn sàng dùng những vũ khí tự chế để đâm, chém, bắn nhau mà sởn hết gai ốc!

Việt Nguyễn
Thượng bất chính, hạ tất loạn.
Cái ác chỉ có đất sống và phát triển khi được pháp luật dung túng tiếp tay. Khi người dân không còn niềm tin vào sự công minh của pháp luật thì họ sẽ tự xử, đó cũng chính là nguy cơ của đất nước!
Tòa án ngang nhiên ăn hối lộ, cảnh sát giao thông ngang nhiên mãi lộ, các cấp quận huyện phường xã hạch sách làm khó dân, các trùm xã hội đen khi bị phát hiện đều có sự bao che của chính quyền..., người dân ai ai cũng thấy cũng biết nhưng toàn... bằng chứng đâu! Người dân biết lấy niềm tin ở đâu ???
  

Ngọc Thành
Bài viết đã chỉ ra đúng "lỗi" của việc điều hành xã hội hiện nay. Không biết do lười làm việc hay do chờ đút lót, nhiều khi gặp việc không lương thiện, khi báo chính quyền thì họ lại vin cớ "đối tượng nghèo" nên không xử lý, và "cái ác" có đất phát triển.
Tôi rùng mình với đoạn kết của bài.

Trần Đại Hiền
Tôi nghĩ người viết chỉ đưa ra một phần của vấn đề. Những phản ứng của người dân hiện nay đối với các cơ quan thi hành công vụ đều xuất phát từ mất niềm tin với pháp luật. Quan chức hành xử theo "cái lý của người có quyền" một phần vì không có năng lực, một phần do cố tình bảo kê cho lợi ích của chính họ. Công an bây giờ bảo kê công khai cho xã hội đen, khi người dân muốn được pháp luật hỗ trợ thì lại phải chạy chọt mới mong có lợi ích thực thụ.
Chúng ta cố thay đổi đến mấy mà không đi đúng vấn đề thì cũng chỉ là mang rượu đổ sang bình mới mà thôi, lợi bất cập hại, vì có vẻ như càng sinh ra nhiều luật thì người dân càng khổ, quan càng có quyền lớn càng tham nhũng to...
  

Hà Vương
Cái ác nhiều quá khiến người ta cũng quen dần với những thông tin như thế này. Không hiểu đây có là xu thế của thời đại hay không? Nhìn ra thế giới thấy người ta đang bắn giết nhau, các nước lớn cậy mạnh đàn áp, cướp đất, cướp tài nguyên của các nước yếu hơn.
Bên trong xã hội Việt Nam, nếu mọi người cùng thức tỉnh chung tay đẩy lùi cái xấu trong chính mỗi chúng ta thì vẫn còn kịp!

nguyen tan cuoc
Bài viết quá rõ ràng, hoan hô tác giả. Nhưng xã hội này rồi sẽ đi về đâu?
  

Phạm Công Chiến
Sự giàu nhanh của một tầng lớp quan chức không thể không có liên quan đến tình trạng đạo đức xã hội bị xuống cấp thê thảm. Mọi thứ đều được định giá bằng tiền, bằng nhiều tiền. Mọi vấn đề công khai chỉ là làm cho xong "thủ tục" mà thôi.

Liem Vo
Tôi ủng hộ tác giả Hoàng Xuân.
  

Hữu Lợi
Trong cuộc sống hiện nay, mức độ an toàn của người dân ngày càng đi xuống, các thế lực ngầm ngày càng hoành hành, mua chuộc quan chức chính quyền, tranh giành địa bàn chém giết lẫn nhau mà quên rằng mình là công dân một nước, là đồng bào của nhau.
Trong những năm qua, tôi thấy có rất nhiều vụ việc mà cơ quan chính quyền, nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật, chưa thực sự làm cho người dân an tâm về an toàn an ninh trật tự ở địa phương. Đây là hồi chuông báo động mạnh mẽ. Rất mong giới lãnh đạo đất nước thấy được và nhanh chóng củng cố lại trật tự xã hội.

Chung
Bài báo này rất hay và phản ánh đúng sự thật. Nạn chém giết, tham nhũng, hối lộ... có vẻ đang đi lên. Pháp luật không nghiêm minh, không nghiêm trị đã nói lên điều đó!
  

Bạch
Chúng ta đều biết rõ "tồn tại XH quyết định ý thức XH". Cái xấu trong bọn ác là để bảo vệ cái hành vi không đúng pháp luật, không được XH thừa nhận của chúng. Kẻ cướp thì ngang nhiên chống trả người đánh cướp; kẻ nhận hối lộ, tham nhũng dàn dựng về tổ chức nhân sự, thậm chí thuê cả XH đen hành xử người tố cáo...
XH sẽ tốt đẹp hơn nếu pháp luật thẳng tay trừng trị cái ác để cho cái thiện phát huy. Khi mà pháp luật còn sơ hở, lỏng lẻo thì vẫn còn đất diễn cho kẻ ác. Kẻ ác càng ở trên cao, giông bão cuộc đời càng dữ dội.
(Trích “Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn”)