Chỉ với vài giọt hóa chất bơm trực tiếp vào trái, sau một ngày, mít non trở thành chín ngọt. Sau đó các chủ vựa bóc lấy múi để bán cho các lò sấy.
Cận cảnh chế biến mít mất vệ sinh
Các vựa mít ở tỉnh Đắk Lắk được xem là thủ phủ cung cấp loại trái cây này cho nhiều địa phương trong cả nước. Đầu tháng 6/2014, khi một thương lái mít đi qua quốc lộ 14, thuộc xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, phóng viên liền hỏi mua. “Toàn mít non như vậy thì làm sao chín được mà ăn?”, chúng tôi hỏi khi thấy vào sọt. Người bán hàng chỉ nhìn khách với thái độ dò xét.
Khi biết khách có ý định mua hàng với số lượng lớn, anh này ôn tồn: “Bọn tôi mỗi ngày mua cả tấn mít, hơi đâu mà đợi trái chín cây. Cứ cắt về dùng thuốc cho khỏe”. Sau đó, anh này dẫn "khách sộp" đến vựa của mình, và giới thiệu toàn bộ công đoạn làm mít chín siêu tốc.
Xung quanh vựa anh Tình còn có hàng chục điểm khác chuyên chẻ mít hoạt động suốt ngày đêm. Đối với một cơ sở chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, nhưng các điểm chế biến này thì chẳng có quy định nào cả.
Cảnh chế biến mất vệ sinh tại vựa mít. |
Công nhân không có bảo hộ lao động, tay chân mẩn ngứa, lở loét. Thậm chí, để tay của mình không bị bám nhựa khi bóc mít, công nhân dùng dầu hỏa thoa lên. "Xoa dầu hỏa lên tay để nhựa mít không bám vào, chứ không thì rửa tay mệt lắm", chị Mai (vợ anh Tình) nói.
Việc chế biến mít được tiến hành ngay trên nền đất bụi bẩn, nhớp nháp. Mít trái, múi, vỏ, xơ, hạt… nằm ngổn ngang khắp mặt đất. Hãi hùng hơn là ruồi bay đầy trong khu chế biến, có con chết cứng đơ bám vào múi mít đã đựng trong túi nylon.
Anh Tình nói: "Ở nhà máy sấy, không biết họ có rửa hay không, còn chúng tôi thì để nguyên, lột được bao nhiêu mang đi cân luôn. Mít rửa sẽ mất màu, nhạt thếch".
Công nghệ bơm thuốc vào mít non
Với cách thông thường, những trái mít già khi hái xuống sẽ được đóng cọc vào cuống, phơi nắng hoặc ủ để chín tự nhiên. Nhưng ở những vựa mít thì người ta bơm hóa chất trực tiếp vào trái, ép chín siêu tốc. "Làm như vậy mới nhanh, mới đủ mít cho nhà máy sấy. Đợi mít già chín thì đến bao giờ?", anh Tình cho hay.
Sau khi gom mít trái còn non về xưởng, anh cho chúng "ăn" hóa chất. Nghĩ chúng tôi là mối lớn, anh không ngần ngại: "Phải dùng thuốc cho mít chín mới đủ hàng cung cấp".
Mỗi ngày vựa của anh này cung cấp hàng trăm kg mít múi cho một lò sấy ở TP.Buôn Ma Thuột. Cách chích thuốc khá đơn giản, nhưng đòi hỏi phải đúng liều lượng, nếu vượt quá trái mít sẽ bị thối.
Hóa chất Trung Quốc làm mít non chín siêu tốc. |
Cạnh vựa anh Tình là cơ sở chế biến của ông Hoàng. Lúc chúng tôi đến, ông này đi mua mít non chưa về. Trong xưởng có 3 công nhân nữ đang chẻ mít lấy múi.
Chúng tôi ngỏ ý muốn học nghề, bà Hoa (vợ ông Hoàng) hỏi với giọng hồ nghi: "Ở đâu đến đây mà đòi học nghề?". Chúng tôi nói được một người bạn ông Hoàng giới thiệu thì bà mới đồng ý.
Bà Hoa đến góc xưởng lấy bao màu đen bên trong có 2 gói thuốc và nói: "Muốn làm mít chín nhanh phải có bí kíp. Dùng thuốc này không tốn công, muốn bao nhiêu mít chín cũng có. Sau khi dùng dùi nhọn đâm vào trái, chỉ cần bơm 2 - 5cc, thuốc tùy trái lớn hay nhỏ, muốn chín nhanh thì bơm nhiều hơn. Ngày hôm sau bảo đảm trái chín đều, không sượng”.
Bơm hóa chất tại một vựa mít. |
Sau đó, ông Hoàng vừa về đến nơi thì vào xưởng lấy 2 gói thuốc, bên ngoài toàn chữ Trung Quốc, cho vào trong chai nhựa khoảng 1 lít nước và quậy đều.
Loại thuốc mà cơ sở này sử dụng màu trong suốt, có mùi hắc. Khi thuốc đã được quậy đều với nước, ông đến đống mít hơn 100 trái mới mua về, lấy một chiếc xiên nhỏ chọc vào giữa trái. Sau đó ông nhỏ khoảng 2 giọt hóa chất vào vị trí mới chọc.
Theo hướng dẫn, loại thuốc này dùng để nhúng. Nhưng muốn mít chín nhanh thì phải bơm trực tiếp vào trái. Trước đây ông Hoàng thường dùng kim tiêm thuốc vào cuống, nhưng làm cách này mất công, mít lại lâu chín.
Sau khi cho toàn bộ số mít ngậm hóa chất, ông Hoàng khẳng định: "Cả đống mít này dù non hay già thì ngày mai chín tất".
(zing)