Giới chức Madagascar phải huy động trực thăng để rải thuốc trừ sâu trong bối cảnh hàng triệu con châu chấu đang tàn phá cây cối trên 2/3 diện tích quốc đảo.
AFP hôm nay dẫn lời Tsitohaina Andriamaroahina, người đứng đầu chiến dịch chống đại dịch châu chấu của Liên Hiệp Quốc tại Madagascar, cho biết những chiếc trực thăng đang rải thuốc sâu để ngăn châu chấu tàn phá mùa màng của 13 triệu nông dân quốc đảo.
Hàng tỷ con châu chấu tạo ra những đám mây đen đặc, tàn phá khoảng 2/3 diện tích Madagascar. Phạm vi hoạt động của châu chấu tương đương diện tích lãnh thổĐức hoặc Nhật Bản.
Ngoài biện pháp rải thuốc sâu bằng trực thăng của chính phủ, nông dân ở làng Amparihibe (cách thủ đô Antananarivo 200 km về phía tây) đốt những đống lửa lớn để xua châu chấu nhưng phương pháp này không thực sự hiệu quả.
Do thức ăn của châu chấu là thực vật nên chúng tàn phá mọi loại cây cối mà chúng gặp. Lá mía cũng không thoát khỏi sự phàm ăn của chúng.
Người dân quốc đảo Madagascar cho biết đây là đại dịch châu chấu tồi tệ nhất trong 60 năm qua. Chúng phá hủy nghiêm trọng cân bằng sinh thái trên hòn đảo và tàn phá mùa màng.
Chính quyền không đủ kinh phí để duy trì nỗ lực phun thuốc diệt châu chấu trên diện rộng. Cơ quan phụ trách lương thực của Liên Hiệp Quốc cảnh báo đại dịch châu chấu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng ở Madagascar.
Hiện tại 3 máy bay trực thăng liên tục rải thuốc diệt châu chấu. Người ta đã phun khoảng 500.000 lít dung dịch thuốc diệt châu chấu trên khu vực có diện tích hơn 1 triệu hecta.
Ngay sau khi nhận tin báo về sự hiện diện của loài châu chấu, các đội phun thuốc trừ sâu sẽ cất cánh để kịp rải thuốc vào lúc bình minh, thời điểm châu chấu nằm trên mặt đất vì cánh ướt sương. Thuốc trừ sâu khiến châu chấu tê liệt.
Dân làng sẽ nhặt những con châu chấu dính thuốc về làm thức ăn cho lợn. Dù nỗ lực diệt châu chấu bằng máy bay trực thăng đã diễn ra trong nhiều tuần qua nhưng người dân địa phương vẫn phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do chúng gây nên.
(st)