Nhạc: Trăng Nước Phương Nam
Nhạc sĩ: Vũ Đức Sao Biển
Giọng hát: Hương Lan-Trọng Phúc-Cẩm Ly
Vũ Đức Sao Biển, tên thật: Vũ Hợi, là Nhạc sĩ, nhà Văn và nhà Báo, nhà Giáo Việt Nam. Ngoài bút danh Vũ Đức Sao Biển, ông còn dùng bút danh: Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại khi viết phiếm luận.
Ông sinh năm 1948, nguyên quán Duy Xuyên, Quảng Nam.
Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm ban Việt – Hán và học Đại học Văn khoa (ban Triết học Đông phương) , thuộc Viện Đại học Sài Gòn.
Năm 1970, ông tốt nghiệp và đến Bạc Liêu dạy học các môn Văn và Triết, bậc Trung học, tại trường Công lập Bạc Liêu. Sau 1975, ông về Sài Gòn dạy học, rồi làm báo. Mười năm sau (1985), Ông lại trở lại Bạc Liêu và cho ra đời các ca khúc về Bạc Liêu và miền đất phương Nam.
Ngoài tài viết: báo, tiểu thuyết, nghiên cứu (về Kim Dung), ông còn có tài sáng tác Nhạc. Những bài như: Thu, Hát Cho Người (là sáng tác đầu tay khi Ông vừa tròn 20 tuổi), Đêm Gành Hào Nhớ Điệu Hoài Lang, Đau Xót Lý Chim Quyên, Điệu Buồn Phương Nam, Tiếng Quốc Đêm Trăng…đều là những tác phẩm được nhiều người yêu mến. Vì những thành tựu này, Ông đã được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
Bút danh Vũ Đức Sao Biển do cha của Ông đặt, dựa trên một câu hát: Có một vì sao long lanh lẻ loi trên biển vắng...
Hầu hết những sáng tác của Sao Biển đều mang những nỗi buồn man mác, mỗi bài là một nỗi buồn riêng biệt.
---
Chú thích:
Từ khóa (Key Words) trong Trăng Nước Phương Nam:
(1) Bạc Liêu
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải ở đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc giáp tỉnh Hậu Giang,đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp Kiên Giang, tây và tây nam giáp Cà Mau, đông và đông nam giáp biển với 56 km bờ biển. Tỉnh lỵ hiện nay là Thành phố Bạc Liêu, cách Sài Gòn 280 km.
Bạc Liêu có diện tích hơn 2 triệu rưỡi km² và dân số năm 2011 gần 1 triệu người.. Nếu so với 63 tỉnh & thành phố thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số.
Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng phù sa ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng.
(2) Sông Hậu
Sông Hậu, hay Hậu Giang, là một trong hai nhánh của dòng Mekong. Nhánh còn lại là sông Tiền. Meking tách ra thành sông Tiền và sông Hậu tại lãnh thổ Campuchia. Ở Campuchia, sông Hậu được gọi là sông Bassac (tiếng Miên). Vì thế nó còn có tên gọi nữa là sông Ba Thắc.
Sông Hậu đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.
Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp&Cần Thơ, Vĩnh Long& Cần Thơ, Hậu Giang&Vĩnh Long, Trà Vinh&Sóc Trăng. Đoạn rộng nhất của con sông nay là giữa huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 km.
Sách xưa, Đại Nam Nhất Thống Chí, từng viết: "...Sông Hậu Giang ở cách huyện Tây Xuyên (tỉnh An Giang nhà Nguyễn) 8 dặm về phía Tây Bắc [tức là huyện lỵ Tây Xuyên cũng là tỉnh thành Châu Đốc nằm ở phía Tây Bắc bờ sông Hậu]. Phát nguyên như sông Tiền Giang, đến phủ Nam Vang nước Cao Miên, chia một nhánh về phía Tây Nam làm sông Hậu Giang. Phía Đông sông là địa phận các huyện Đông Xuyên, Vĩnh An, An Xuyên [là các huyện của phủ Tân Thành tỉnh An Giang nhà Nguyễn]. Phía Tây là địa phận các huyện Tây Xuyên, Phong Phú, Vĩnh Định, và Phong Thịnh [là các huyện thuộc 2 phủ Tuy Biên và Ba Xuyên tỉnh An Giang nhà Nguyễn]. Sông ở giữa địa phận của tỉnh [An Giang nhà Nguyễn]..."
(3) Sông Gành Hào
Sông Gành Hào xuất phát từ thành phố Cà Mau đến ngã ba Hòa Trung, rẽ qua huyện Đầm Dơi rồi đổ ra cửa Gành Hào thuộc biển Đông. Tại Cà Mau, sông sâu từ 4-5 mét, tại cửa sông ở Gành Hào rộng 300 mét, sâu 19 mét và dòng sông có chiều dài 55km. Đoạn sông Gành Hào đi qua TP Cà Mau, người ta còn gọi là sông Cà Mau.
Do nằm giữa lòng TP Cà Mau nên có thể nói sông Gành Hào là đầu mối giao thông và cũng là đầu mối giao lưu kinh tế giữa các dòng sông, kinh rạch, giữa các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Cà Mau.
Điểm đặc biệt và ấn tượng nhất ở sông Gành Hào là chợ nổi trên sông. Trên đất nước Việt Nam của chúng ta, có nhiều cái chợ rất mang tính đặc thù của địa phương mà ai cũng muốn một lần được đến để xem, để biết như chợ Âm phủ ở Đà Lạt, chợ Tình ở SaPa, chợ Viềng ở Nam Định... Chợ nổi trên sông Gành Hào ở Cà Mau cũng mang tính đặc thù của vùng sông nước Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng. Chợ trên sông họp cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ có buổi sáng sớm là tấp nập và náo nhiệt nhất. Tiếng mái chèo khua nước lao xao, tiếng máy đuôi tôm tì tạch, tiếng nói cười rộn rã, kẻ bán người mua nhộn nhịp cả một khúc sông tạo thành một âm thanh rất riêng của chợ nổi. Đây là một kiểu quần cư mang một phong cách sống và là một nét văn hóa - Văn hóa Sông nước-hết sức độc đáo và hấp dẫn...
(4) Dạ Cổ Hoài Lang
Dạ cổ hoài lang là một bản nhạc cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976), người Bạc Liêu, sáng tác, nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài Vọng cổ đầu tiên...
Theo báo Thanh Niên, thì Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) đã thổ lộ với bạn thân rằng:
Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ. Năm viết bản Dạ cổ hoài lang, tôi 28 tuổi, đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con...Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu...
Tác giả bài báo kể tiếp: Trong thời gian dài, phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng", Sáu Lầu thường mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ cổ hoài lang đã ra đời trong bối cảnh như thế...
Thời điểm ra đời bản Dạ Cổ Hoài Lang còn rất nhiều tranh cải:
(i) Nhà thơ kiêm soạn giả Cải lương Kiên Giang cho rằng bài Dạ cổ hoài lang ra đời năm 1917.
(ii) GS. Trần Quang Hải (con trai của GS. Trần Văn Khê) và nhà Nghiên cứu Dân tộc học Toan Ánh cho là ca khúc ra đời vào năm 1920.
Tuy nhiên, ý kiến cho rằng bài Dạ cổ hoài lang ra đời ngày 15 tháng 8 (Âm lịch) năm Mậu Ngọ (nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918) được đa số nghệ sĩ Bạc Liêu và nhiều người đồng thuận hơn.
(5) Chim Quốc
(Lê Phạm Trung Dung)
Mỗi lần nhớ về đất nước Việt Nam mến yêu ,xa cách nghìn trùng,chúng ta không khỏi bùi ngùi ,xúc động khi đọc hai câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang, của Bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Con quốc quốc và cái gia gia có ý nghĩa gì?
Đỗ Quyên là một loại chim còn gọi là Tử Quy hay nôm na là chim Cuốc. Đầu mỏ chim hơi cong, miệng to,đuôi dài, lông lưng màu tro, bụng trắng có một đường đen thẳng ngang.Thường lủi trong bụi rậm, dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối Xuân sang Hè thì bắt đầu kêu vào đêm trăng mờ tịch mịch ở bờ nước, bến sông. Giọng kêu buồn thảm, gợi lòng khách lữ thứ nhớ nhà, nhớ quê.
Truyền thuyết rằng, Thục Đế, vua nước Thục tên Đỗ Vũ thông dâm với vợ của bầy tôi là Biết Linh. Tức giận, Biết Linh dấy loạn, đem quân đánh phá kinh thành, Thục Đế thất bại, mất ngôi chạy trốn vô rừng. Nhục nhã, buồn tủi, nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Đế chết hóa thành chim Đỗ Quyên ngày đêm kêu “cuốc, cuốc” hay “quốc, quốc”. Quốc, quốc do mượn âm cuốc, cuốc.
Đời nhà Thương (Ân), vua Trụ ác bạo, vua Võ hội chư hầu đem quân điếu phạt. Bá Di và Thúc Tề, con vua chư hầu Cô Trúc đến trước đầu ngựa vua Võ can ngăn cho rằng bất trung, bất nghĩa. Sau khi vua Võ thắng lợi thành lập nhà Châu, Bá Di,Thúc Tề vào rừng núi ở, thề không ăn gạo nhà Châu, chỉ hái rau Vi mà ăn. Sau có người bảo đất nước thuộc về nhà Châu, như vậy rau cỏ cũng thuộc về nhà Châu. Uất ức .hai ông nhịn đói chết.Tương truyền hai ông hóa thành chim Đa Đa (thuộc loại gà ít bay thường hay lủi trong bụi rậm) vì vẫn luôn luôn miệng kêu “Bất thực túc Châu gia” ra “ gia gia” theo lối tá âm.
Bài “Qua Đèo Ngang” và “Thăng Long Thành Hoài Cổ” là hai bài thơ nổi tiếng của bà Huyện Thanh Quan. Đặc biệt bài “Qua Đèo Ngang” có màu sắc Triết học Phật giáo và rất Thiền. Bài thơ biểu hiện triết lý CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU của Phật Giáo. Dưới cái nhìn của Thiền Tông. Sáu câu đầu diễn tả tâm còn vướng vào cảnh vật bên ngoài, bị lôi cuốn theo sáu trần và hai câu chót dừng tâm vọng tưởng, trở về với con người chân thật của chính mình.Đúng là Thiền.
Thi ca cổ điển Việt Nam thường dùng nhiều điển tích về hai loại chim Đỗ Quyên và chim Đa Đa nầy.
Trần Danh Án ,một di thần nhà Hậu Lê (1423-1788) nghe tiếng cuốc kêu cũng cảm xúc nhớ lại một triều đại hưng thịnh mà cuối cùng vua Lê Chiêu Thống cỏng rắn cắn gà nhà, tuy yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc đành phải gói ghém tâm sự di thần trong mấy vần thơ sau đây
Giá cô tại Giang Nam
Đỗ Quyên tại Giang Bắc
Gía cô minh gia gia
Đỗ quyên minh quốc quốc.
Vi cầm do hữu quốc gia thanh
Cô thần đối thử tình vô cực
Bản dịch
Chim giá cô ở bờ sông Nam
Chim Đỗ Quyên ở bờ sông Bắc
Giá cô kêu gia gia
Đỗ Quyên kêu quốc quốc
Chim nhỏ còn kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác
Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ khi đứng trước thành Cổ Loa, xưa kia đã là cung miếu của vua Thục An Dương Vương, Cung miếu ngày xưa huy hoàng, tráng lệ bao nhiêu thì ngày nay điêu tàn, hoang phế bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ ,lạnh lùng nầy, dưới ánh trăng mờ nhạt tiếng cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã:
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Đỗ Quyên đề đoạn ,nguyệt âm âm
Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt
Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu,
Nhưng tiếng cuốc của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến mới là tiếng cuốc thấm thía, bi ai, là tiếng nói của lòng một người dân yêu nước bị mất nước- vì thực dân Pháp -.Tiếng cuốc đó còn nói lên nỗi đau buồn, uất hận vì bất lực trước cảnh đen tối của đất nước bị ngoại xâm.Và đó cũng là tiếng nói của lương tâm thôi thúc Yên Đổ tham gia vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc
Khắc khoái sầu đưa giọng lững lơ
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn ta bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
Tiếng cuốc kêu gợi khách tha hương nhớ về cố hương còn được diễn tả bằng tiếng đàn ảo não trong bài thơ “Cầm Sắt” của thi hào Lý Thương Ẩn đời vãn Đường
“Cầm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang Sinh hiểu mộng mê Hồ Điệp
Thục Đế xuân tâm thác Đỗ Quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ vãng niên
Bài Dịch
Cầm sắt năm mươi chẵn sợi mành
Mỗi dây,một trụ nhớ ngày xanh
Mơ màng bướm lẫn Trang Sinh mộng
Áo não quyên kêu Thục Đế tình
Thương hải lệ châu trăng chiếu suốt
Lam Điền hơi ngọc nắng hun thành
Tình nầy đợi nhớ trong mai hậu
Chán nản giờ đây khổ nỗi mình
Vì cuộc đời của Thúy Kiều ,nhân vật chinh trong Kim Vân Kiều phải trải qua bốn giai đoạn khác nhau: mơ màng, ảo não, trong trẻo và ấm áp nên Nguyễn Du đã mượn ý câu 3,4,5,6 trong bài Cầm Sắt của Lý Thương Ẩn
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên
Trong sao châu rỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông
Duềnh: vũng nước.
Lam Điền: núi sản xuất ngọc quý ,ngọc lam ở Thiểm Tây.Quyên::xinh đẹp
Trang Sinh hiểu mộng mê Hồ Điệp: Thúy Kiều sống mơ màng huyền ảo với hương vị mối tình đầu cùng Kim Trọng Đôi trai tài gái sắc nầy lúc trao kỷ vật,cắt tóc thề nguyền,lúc đề thơ hội họa ,lúc đánh đàn tuy thời gian ngắn ngủi nhưng đã xây nhiều mộng đẹp
Thục Đế xuân tâm thác Đỗ Quyên: nỗi uất hận của vua Thục nhớ nước nhớ nhà gởi vào tiếng nấc nghẹn ngào,thảm não của Thúy Kiều khi lưu lạc,nhớ quê,nhớ cảnh,nhớ cha mẹ,người yêu,sống trong kiếp đọa đày vùi hoa dập liẽu.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ: Tấm thân tài sắc và lòng trinh trắng của Thúy Kiều chìm sâu dưới sông Tiền Đường đế rửa sạch hết bụi trần nhơ và để rồi sống cuộc đời thanh u,nhàn nhã dưới cửa thiền bên cạnh ni cô Giác Duyên
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên: Cái ấm áp nồng nàn ,thắm thiết,thi vị khi Thúy Kiều đoàn tụ với gia đình,gặp lại người yêu,nối lại khúc tình xưa.Ngọc lên hơi thoang thoảng như ái tình lên hương thấm thía đậm đà. Trong tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên”, Bùi Hữu Nghĩa có dùng điển cố chim Đỗ Quyên và chim Tinh Vệ trong đoạn “Giải Thị tuẫn tiết theo chồng”
Oan kết theo hồn Tinh Vệ
Lụy rơi hóa huyết Đỗ Quyên
Minh mông sóng thảm bủa đầu thuyền
Lai láng gió sầu xao mặt nước
Chim Tinh Vệ là một loại chim nhỏ ở bờ biển hình giống chim quạ ,chân đỏ ,mỏ trắng. Theo chuyện xưa bên Trung Hoa,con gái vua Viêm Đế đi thuyền trên biển Đông. Chẳng may ,gặp cơn bảo dữ dội,thuyền bị chìm và nàng chết đuối.Vì uất ức hóa thành chim Tinh Vệ bay tới bay lui,miệng ngậm đá núi Tây đến biển Đông ,để nhả đá như muốn lấp biển Đông cho thỏa nỗi căm hờn bất tận Vì thế có câu Tinh Vệ Hàm Thạch
Giản Thị là vợ của Thiết Đình Quí ,tri phủ phủ Tây An(Thiểm Tây)bị tướng giặc Tiêu Hóa Long bắt sống.Sau khi nhắn tin cho vợ đang mang thai hãy cố gắng nhịn nhục nuôi con ,nhảy xuống sông tự tử.Sau khi con khôn lớn,Giản Thị lập mưu giết được tướng giặc, lấy đầu tế chồng rồi cũng đâm đầu xuống sông tuẩn tiét.
Cụ Phan Bội Châu có câu đối ai điếu khi cụ Phan Chu Trinh mất
“Thương Hải vi điền,Tinh Vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền”
“Biển thẳm chưa bằng, Tinh Vệ còn ngậm đá, Chung Kỳ đã mất, Bá Nha đứt dây đàn”
Căm hờn chế độ thực dân, nước mất nhà tan, chưa san bằng chế độ thuộc địa, chưa giải phóng đất nước, nhà cách mệnh họ Phan vẫn kiên trì tranh đấu như chim Tinh Vệ ngậm đá quyết lấp biển Đông cho thỏa mối căm hờn.
Để kết luận, Đức quốc, trước kia thua kém rất xa Anh quốc và Pháp quốc về Văn hóa, khoa học,kỹ thuật. Nhưng từ khi Goethe xuất hiện trên văn đàn Đức quốc như ngôi sao Bắc Đẩu, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học kỹ thuật Đức quốc trăm hoa đua nở và qua mặt lại Pháp quốc và Anh quốc.Thi sĩ Schiller chỉ nói một câu đơn giản”Sie sprechen eine schöne sprache” ,không cần phải nói cầu kỳ như một học giả Việt Nam “Truyện Kiều còn ,tiếng Việt còn”. Thơ của Schiller đã được Beethoven đem vào trong bài symphonie thứ chin lừng danh , phần hợp xướng..
Không biết bao giờ Việt Nam mới có được một nhân vật như Goethe đưa Dân tộc đi đôi hia bảy dặm theo kịp trào lưu tiến hóa của thế giới về Văn học, Khoa học, Kỹ thuật? Tôi tin chắc chắn sẽ có trong đám thế hệ mấy em cháu, tuy xa Quê hương nhưng trong lòng vẫn còn giử trái tim Việt Nam. Tôi rất lạc quan vì sau nhiều năm dài sống xa quê hương, Thiền Tông đời Trần như vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông nhất là ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đã khơi lại mạch máu trong tôi. Rồi sẽ có một ngày Việt Nam sẽ ngóc đầu lên như nước Đức bên trời Âu.
Xin Chia sẻ cùng Thân hữu bài hát thật hay hôm nay, rất Trăng Nước miền Nam, mang theo cái "Hồn" Quê hương Nam bộ bàng bạc trong đó:
Tình Thân,
Kính.
NNS