Tìm Kiếm

21 tháng 3, 2014

TIN VÀO CHÚA KI-TÔ BẰNG CHÍNH ĐỨC TIN CỦA MÌNH

TIN VÀO CHÚA KI-TÔ BẰNG CHÍNH ĐỨC TIN CỦA MÌNH
(xin coi Ga 4:5-42)
Trong câu truyện Chúa Ki-tô gặp người phụ nữ Xa-ma-ri bên bờ giếng nước, chúng ta học được bài giáo lý gồm 2 điểm rất quan trọng nầy:
Một  là bất kỳ ai, ở đâu, khi nào, và vì lý do gì, mà có duyên, có phước tiếp xúc với Chúa Ki-tô—hay nói chính xác hơn, là được Chúa cho tiếp xúc với Chúa—thì không thể không xảy ra một cuộc đổi đời, dứt khoát, hoàn toàn và mãi mãi.
Điều đó đã xảy ra nơi người phụ nữ Xa-ma-ri.  Quá khứ của chị  là một chuỗi dài của bất an, bất ổn, và hẳn là bất hạnh, về tình duyên, gia đạo.  “Trai trung hiếu chỉ thờ một chúa, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”, thiên hạ thường đánh giá phẩm hạnh con người theo chuẩn mực đó.  Chị có thể chỉ là một nạn nhân của vở bi kịch đời người, nhưng cho đến khi chứng minh được điều đó thì thiên hạ cứ nhìn chị theo góc độ họ có thể nhận thấy.  Bản năng tự vệ của chị phản ứng lại, tạo nên một hình ảnh khác, với đường nét chính là một phủ định hình ảnh người ta quy chụp cho mình.  Cũng có thể vì không đủ nghị lực chống lại miệng lưỡi thế gian, chị buông xuôi chấp nhận tất cả những gì họ thêu dệt, gán ghép.  Bận tâm đón đỡ sức công phá của dư luận như vậy khiến cho chị càng lúc càng sống không trung thực với tha nhân và xa lạ với chính mình.  Cứ đi quá xa như vậy, đến một lúc có muốn trở lại gốc gác thuần thực, mới biết là khó, thậm chí bất khả thi.                  
Khi đối diện với Chúa Ki-tô, nhìn vào ánh mắt nhân hậu, chan chứa thương yêu, cảm thông của Chúa—hay nói cho chuẩn xác hơn, là được Chúa nhìn với ánh mắt  nhân hậu, chan chứa thương yêu, cảm thông— dường như chị được soi mình trong một tấm gương thuần khiết, để nhận ra diện mạo thật, con người thật của mình.  Việc nhận biết nầy không phải là một tố giác, phanh phui quá khứ không tốt đẹp của một con người, những bí mật ai ai cũng đều muốn giấu kín và sẽ đem theo xuống mồ.  Trái lại, đây là một nhận biết chân lý vừa thanh tẩy vừa giải thoát.  Nhờ nhận biết con người thật của mình, chị được gột rửa sạch hết mọi thứ son phấn, mặt nạ hóa trang vẫn cần thiết cho vai diễn trước kia.  Bây giờ chị trở lại dung mạo thật, chân chất, hồn nhiên, đơn thành, như buổi đầu được sáng tạo xinh đẹp theo hình ảnh của Thiên Chúa.  Nhờ gặp gỡ chân lý, chị được giải thoát khỏi bận tâm, lo âu và sợ hãi phải liên tục đối phó với thiên hạ và với chính mình.  Ơn được thanh tẩy và giải thoát nầy được gọi là ơn hoán cải.  Cứ nghe chị chân thành, không hổ thẹn thú nhận với hàng xóm láng giềng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.”  Đây thực sự là cảm nghiệm của mọi người được ơn hoán cải đích thực, không phải do cảm tính nhứt thời, mà do ơn đức tin của Chúa Ki-tô ban cho.  Đó là ơn hoàn cải Thánh Phê-rô đã được đón nhận, khiến thánh nhân, thay vì tìm cách che giấu hoặc nói quanh nói khéo cho nhẹ trách nhiệm,  thì lại truyền cho Hội Thánh tiếp tục công khai hóa lỗi lầm tầy đình của mình trong quá khứ là một kẻ hèn nhát, chỉ giỏi mau miệng thề thốt đồng sinh đồng tử với Chúa để rồi cũng dễ dàng, cũng mau miệng không kém, nuốt lời mà chối bỏ Thầy.  Đó là ơn hoán cải của Thánh Âu-gu-ti-nô nhờ đó Hội Thánh nhận được bao bài học nhân bản và tâm linh quý giá của tác phẩm “Những Lời Thú Tội”.  Với một người đã được ơn hoán cải, lời thú tội không hề là dấu hiệu mặc cảm hay ức chế tâm lý, song đã trở thành lời tôn vinh tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa.  Đơn cử một thí dụ: nhờ gặp thầy gặp thuốc, tôi qua khỏi cơn bịnh thập tử nhứt sinh.  Tôi không thể không vui mừng thuật lại ơn tôi được cứu mạng.  Bận tâm hàng đầu của tôi là vinh danh và tri ân vị lương y đã cho tôi một cuộc đời thứ hai.  Chi tiết quan trọng nầy phải tỏa sáng và làm lu mờ phần nền của bức tranh gồm không biết cơ man nào là những tiểu tiết u ám, ghê rợn, xấu xa.  
Hai là qua kinh nghiệm được tiếp cận riêng tư với Chúa Ki-tô, trong những điều kiện và hoàn cảnh hết sức cá biệt của mỗi người, niềm tin vào Chúa Ki-tô của người  được ơn hoán cải lập tức chuyển thành niềm tin riêng biệt, cá vị của người ấy.
Nếu như Thiên Chúa sáng tạo con người như là từng cá nhân, từng nhân vị riêng biệt, độc nhứt vô nhị, với mọi giá trị đặc trưng không trùng lắp, không sao chép, thì đó cũng chính là phương thức Thiên Chúa cứu độ từng con người. 
Bạn có biết một thiên hà gồm bao nhiêu vì sao không?  Ngay cả viễn vọng kính hiện đại nhứt cũng chỉ giúp con người phỏng đoán là nhiều lắm, không thể đếm xu.  Khoa thiên văn phỏng đoán có hàng triệu triệu thiên hà như thế trên bầu trời.  Ấy thế mà Thánh Kinh quả quyết: “Thiên Chúa ấn định con số các vì sao và đặt tên cho từng ngôi một.”[1]   Thiên Chúa chăm lo cho chim trời cá biển, không để một con nào phải thiếu cái ăn.  Con người quý giá hơn loài vật.[2]   Thiên Chúa thận trọng, tỉ mỉ tạo thành con người để tác phẩm độc đáo nầy phải là nét khắc họa hình ảnh của Người.[3] Thánh Phao-lô xác tín: “Chúa Ki-tô Giê-su đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà tôi là kẻ đầu tiên.  Sở dĩ tôi được thương xót là vì Chúa Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời.”[4]  Thiên Chúa yêu thương từng người trọn vẹn, đầy đủ, hết mức độ một con người có thể đón nhận Tình Thương Thiên Chúa.  Không thể nói Thiên Chúa yêu thương ai hơn ai, chỉ có thể nói Thiên Chúa yêu bạn như thể không còn có bất kỳ một ai khác trên cõi đời nầy.  
Cảm nghiệm của mỗi một Ki-tô hữu về Chúa Ki-tô, do đó, cũng phải là một cảm nghiệm rất cá vị, độc đáo, độc nhứt, không pha trộn, sao chép, vay mượn từ bất kỳ ai khác.  Đức tin của tôi tuy có theo một tiến trình thông thường là được khơi mở nhờ lời chứng của một tín hữu khác, được gieo trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc nhờ công sức và đức độ của cộng đoàn Hội Thánh,[5] nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, đức tin của tôi chưa phải là một đức tin trưởng thành, chưa qua khỏi thời kỳ đứa trè thơ bú sữa, nghĩa là về mặt tâm linh vẫn dựa dẫm vào người khác, vẫn còn vướng víu trong muôn trùng mạng lưới của ấu trĩ, mê lầm, dị giáo.[6]  Điều bị ngộ nhận như thể là đức tin nầy thực chất chỉ là một thứ cảm tính tôn giáo thật mong manh, dễ đổi thay, dễ vỡ, không đủ sức đương đầu với bao giông bão đáng sợ ở đời.[7]  Rất cần một biến cố thật đặc biệt, một duyên phước thật lớn, ở một khúc quanh nào đó trong hành trình tâm linh, để đưa người tín hữu đến với Chúa Ki-tô, để một cuộc đổi đời, một cuộc hoán cải sẽ chuyển đổi đức tin của người ấy sang giai đoạn trưởng thành, đức tin riêng tư, cá vị, độc quyền của người ấy.
Những người hàng xóm của chị phụ nữ Xa-ma-ri, sau khi được đích thân gặp Chúa Ki-tô, đã thẳng thắn báo cho chị biết: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”[8]             

Lm. P. X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Câu Hỏi Thảo Luận

1.    Đâu là những dấu hiệu khác nhau giữa một đức tin chân chính và một tình cảm tôn giáo?
2.    Tại sao Ki-tô hữu cần phải có một đức tin cá vị trong tương quan với Chúa Ki-tô?
3.    Bạn nhận xét đức tin của bạn đang ở giai đoạn nào trong hành trình theo Chúa Ki-tô?






[1] Tv 147:4.
[2] Xin coi Mt 6:26; 10:29-31; Tv 147:8-9.
[3] Xin coi St 1:27; 2:7.
[4] 1 Tm 1:15-16.
[5] Xin coi Ga 20:31; 1 Ga 1:1-4.
[6] Xin coi 1 Cr 3:1-4.
[7] Xin coi Mt 7:24-27; 13:18-22.
[8] Ga 4:42.