Tìm Kiếm

17 tháng 12, 2013

Chuyện về một ca khúc đã cứu Nelson Mandela

Thông điệp chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid của Nam Phi, hình thành trong những năm 1950 ở phương Tây, đã hết sức nghiêm túc, chân thành, mạnh mẽ, nhưng dường như chưa đủ để giải phóng Nelson Mandela khỏi chốn lao tù, cho tới khi một ca khúc đặc biệt xuất hiện.

Free Nelson Mandela (Trả tự do cho Nelson Mandela) là một trong các ca khúc nằm trong danh sách Top 10 ca khúc ăn khách hàng đầu ở Anh trong năm 1984.

Bìa đĩa hát có ca khúc Free Nelson Mandela

Ca khúc chính thức của phong trào chống apartheid

Nó đã lập tức trở thành ca khúc chính thức, khẩu hiệu cho phong trào chống apartheid quốc tế.
Nhân vật chính trong ca khúc, Nelson Mandela, đã gây sự chú ý trong những năm 1950 với tư cách một thành viên trẻ tuổi, theo đường lối cực đoan của phong trào Đại hội các dân tộc Phi (ANC), lực lượng chống đối chính chống chính quyền Nam Phi phân biệt chủng tộc.

Là người cổ súy cho các chiến thuật tấn công du kích, Mandela bị bắt giữ nhiều lần và năm 1964 đã bị kết án tù cùng các lãnh đạo ANC khác vì tội phá hoại. Ông bị tuyên phạt tù chung thân và có 27 năm bị giam cầm, chủ yếu tại nhà tù nằm trên đảo Robben ngoài khơi bờ biển Nam Phi.

Trong khi Mandela ngồi tù, một phong trào chống apartheid dần phát triển ở phương Tây, bắt đầu bằng hoạt động cấm vận thể thao chống Nam Phi, sau đó là màn tẩy chay biểu diễn tại nước này của các nghệ sĩ.
Ca sĩ sáng tác ca khúc Free Nelson Mandela là Jerry Dammers. Ông là sáng lập của nhóm nhạc Anh đa chủng tộc The Specials, sau đổi tên thành The Special AKA. Ông thừa nhận rằng mình biết rất ít về Mandela, trước khi tham gia một buổi hòa nhạc chống apartheid ở London trong năm 1983, vốn giúp hình thành các ý tưởng về ca khúc.

"Tôi chưa từng nghe tới tên Nelson Mandela dù tôi biết nhiều về phong trào chống apartheid và ông là nhân vật lãnh đạo của cả phong trào" - Dammers nói với hãng tin CNN.
Jerry Dammers có thể không biết nhiều về Mandela, nhưng những lời ca của ông đã giúp đưa cuộc đấu tranh của nhà lãnh đạo da màu này tới với một bộ phận khán giả rộng lớn hơn. Cảm xúc lạc quan không nao núng trong ca khúc đã giúp đẩy nó lên cao trong các bảng tổng sắp. "Ca khúc kết thúc kiểu như “tôi cầu xin bạn” và sau đó là “tôi kể cho bạn” - Dammers nói - "Đây là yêu cầu, nhưng theo một cách thức tích cực. Nó mang tới một dạng hy vọng rằng tình hình hiện nay sẽ có thể được giải quyết".

Giáo dục công chúng bằng âm nhạc

Người dẫn chương trình truyền thanh kỳ cựu Paul Gambaccini của đài phát thanh BBC2 nói rằng ca khúc rất hiệu quả trong việc giáo dục công chúng về Mandela, người danh tiếng vẫn rất thấp ở phương Tây trong thời điểm đó. "Giờ chúng ta đã có một hình ảnh như một vị thánh về Mandela, nhưng vào thời điểm đó bà (Margaret) Thatcher (cựu Thủ tướng Anh) coi ông như khủng bố. Vì thế, việc tung ra một đĩa hát về một nhân vật mà Thủ tướng của bạn xem như khủng bố là hành động khá can đảm" - ông nói.


Jerry Damler, người sáng tác ca khúc Free Nelson Mandela
giúp mang lại tự do cho nhà lãnh đạo Nam Phi.

Theo Gambaccini, ca khúc đã giúp thay đổi quan điểm của dư luận về Mandela. "Ca khúc đã giáo dục rất lớn cho dư luận về apartheid, bởi họ rõ ràng sẽ không thể hiểu biết được gì từ ông thông qua các nguồn chính thống. Những gì người ta nói về ông từ bộ máy trên cao là rất tệ. Vì thế các nghệ sĩ phải nhận vai trò hàng đầu trong việc chỉnh sửa thanh danh của ông" - Gambaccini nói.

"Free Nelson Mandela có hiệu quả vì 2 lý do" - ông nói - "Đây là một ca khúc nhạc pop với ca từ bắt tai và giai điệu cũng hay. Và bạn hiểu ngay nó nói về gì, bởi các từ đầu tiên là "Trả tự do cho Nelson Mandela. Thứ nữa, nó có một thông điệp mà khán giả đồng tình".

Và thực tế rằng The Specials khi đó là một ban nhạc trong nhóm Top 10 cũng có nghĩa công chúng chú ý tới ca khúc nhiều hơn. "Nếu Specials nói ra thông điệp, hẳn nó phải có ý nghĩa"- Gambaccini nói.

4 năm sau, vào năm 1988, Dammers và bạc nhạc Simple Minds đã giúp tổ chức buổi hòa nhạc Mừng sinh nhật thứ 70 của Mandela ở Sân vận động Wembley, với sự góp mặt của các ca sĩ, nhóm nhạc như Dire Straits, George Michael và Sting. Peter Gabriel đã trình diễn ca khúc Biko nói về một nhà hoạt động chống apartheid khác còn Steven Van Zandt biểu diễn ca khúc Sun City nhiều ảnh hưởng của mình.

Sẽ khó thành công nếu thiếu một bài hát

Buổi hòa nhạc được 600 triệu khán giả truyền hình trên toàn cầu theo dõi và được cho là đã giúp củng cố sự phản đối của dư luận với chính quyền apartheid. Gambaccini đã rất tự hào về sự đóng góp của mình cho sự kiện, trong đó ông là một trong số những người dẫn chương trình.

"Buổi hòa nhạc thành công kinh ngạc" - ông nói - "Nó thu hút lượng khán giả qua truyền hình lớn nhất từ trước tới này và đưa Mandela lên vị trí chủ đề nóng số một trên thế giới. Nhưng việc này có thể sẽ không bao giờ diễn ra nếu thiếu ca khúc Free Nelson Mandela, bởi chính ca khúc đã truyền cảm hứng để nhiều nghệ sĩ tới Wembley."

Khi tác động của buổi hòa nhạc đang lan rộng trên toàn cầu, chính quyền Nam Phi đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với Mandela. Kết cục là Mandela được trả tự do vào ngày 11/2/1990. 4 năm sau Mandela đã trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Mandela không bao giờ quên công lao của những người ủng hộ ông ở Anh. Năm 1996, ông đã có bài phát biểu gửi tới lưỡng viện trong Quốc hội Anh để bày tỏ sự cảm kích: "Chúng ta nhân cơ hội này để một lần nữa thể hiện sự cảm kích tới hàng triệu người Anh, trong nhiều năm đã đứng dậy và nói: “Không” với chế độ apartheid!"



Tường Linh (TTVH)