Tìm Kiếm

27 tháng 7, 2013

Gặp gỡ Việt Nam 20 năm qua và sắp tới…

Đầu tháng 8-2013, tại Bình Định, sẽ diễn ra Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX với quy mô chưa từng có. Tám nhà bác học Giải thưởng Nobel và mấy trăm nhà vật lý khắp các lục địa đến dự, nhân khánh thành Nhà Hội nghị trong Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành bên bở biển Quy Nhơn. Đây là một “cơ hội nghìn vàng” dành cho giới khoa học Việt Nam.

Tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm ấm lòng khi được mời dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất về vật lý tai Nhà khách Bộ Quốc phòng ở phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, vào những ngày tháng 12-1993 lạnh giá. Có thể nói, đó là một cuộc hội nghị khoa học lớn, theo đúng chuẩn mực quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức thành công ở nước ta. Lúc bấy giờ, nhà cầm quyền Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam. Nước ta chưa mở Đại sứ quán tại Washington, Tổng Lãnh sự quán tại San Francisco như hiện nay. Muốn tới Việt Nam, các nhà vật lý Mỹ trước hết phải sang Paris hay Bangkok, đến Đại sứ quán nước ta, làm thị thực! Nhiêu khê đến vậy, thế mà nhà bác học Mỹ Jack Steinberger, Giải thưởng Nobel, cùng nhiều nhà vật lý Mỹ khác vẫn cứ tới Hà Nội. Rồi khi trở về, GS J. Steinberger gửi một bức điện đến Tổng thống Bill Clinton yêu cầu dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận phi lý kéo dài, bởi lẽ nước Việt Nam đổi mới đang chìa bàn tay thân ái ra với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Cũng tại cuộc gặp cách nay đã 20 năm ấy, tôi quen biết anh Nguyễn Trọng Hiền, một nhà khoa học làm việc tại NASA. Sau chuyến khảo sát dài ngày về bức xạ nền Vũ trụ (còn gọi là bức xạ hóa thạch) ở châu Nam Cực, anh ghé qua Bangkok xin visa, rồi bay tới Hà Nội, trình bày một bản báo cáo “sốt dẻo”. Anh Đàm Thanh Sơn từ LB Nga đang khủng hoảng dữ dội dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, cũng gắng mua vé máy bay về Việt Nam dự cuộc gặp và trình bày báo cáo. Ngày ấy, hai nhà vật lý đầy tài năng đó đang ở độ tuổi thanh xuân. Về sau, anh Sơn chuyển sang Mỹ, trở thành một nhà bác học danh tiếng. Còn anh Hiền thì nhiều lần quay lại châu Nam Cực, có lần ở lại tại đấy suốt nửa năm, trong mùa đông lạnh giá, nhiệt độ xuống tới mức -100 0C, lãnh đạo một đoàn khảo sát Mỹ. Và hằng năm anh vẫn về nước trong dịp hè, giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế.

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Dinh Thống Nhất ở TP Hồ Chí Minh, thu hút thêm hai nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel là Georges Charpak (Pháp) và Norman Ramsey (Mỹ), cùng 220 nhà vật lý thuộc hơn 40 quốc tịch. Về phía các nhà vật lý người Việt Nam ở nước ngoài, có thêm chị Jane Luu (tức Lưu Lệ Hằng), người vừa khám phá ra một số vật thể trong vành đai tiểu hành tinh phía ngoài Hải Vương Tinh, thường được gọi là vành đai Kuiper. Quần jeans, áo thun, cắt tóc ngắn, đi giày thể thao, trông y như một nữ sinh viên đại học năm cuối, mặc dù Lệ Hằng đã 32 tuổi, là assistant professor (tam dịch trợ giáo sư, một học hàm gần với phó giáo sư ở nước ta) của Đại học Harvard danh giá. Chính thành công bắt đầu từ dạo ấy đã khiến cho Jane Luu cùng David Jewitt và Michael Brown được tặng Giải thưởng Kavli về vật lý thiên văn năm 2012 tại Na Uy với số tiền 1 triệu USD. Và, ngay sau đó, chị cùng David Jewitt nhận Giải thưởng Shaw về thiên văn học ở Hong Kong, cũng với số tiền 1 triệu USD. Hai giải thưởng ấy được coi là hại “Nobel thiên văn học”. Tên chị còn được đặt cho một tiểu hành tinh: 5430 Luu (the asteroid is named 5430 Luu in her honor)...

Các anh anh Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Hiền cũng không vắng mặt tại cuộc gặp năm 1995. Anh Hiền vừa đưa in xong cuốn Ngày hai đêm để phát hành tại trong dịp quan sát nhật thực toàn phần ở miền nam…

Các cuộc Găp gõ Việt Nam lần thứ III, IV, V, VI tại Hà Nội đã thu hút thêm một số nhà bác học Giải thưởng Nobel như Jerome Friedman, James Cronin, Klaus von Klitzing… Nhiều nhà vật lý Việt Nam có tiếng ở nước ngoài như Trịnh Xuân Thuận (Mỹ), Phạm Xuân Yêm (Pháp), Trần Minh Tâm (Thụy Sĩ), Phạm Quang Hưng (Mỹ)… cũng về dự. Cuốn sách best-seller ở nhiều nước, cuốn Giai điệu bí ẩn của anh Trịnh Xuân Thuận được anh Phạm Văn Thiều dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam từ năm 2000.

Tháng 12-2011, hai hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức song song tại Quy Nhơn nhân lễ động thổ xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành bên bờ biển thành phố này.


GS Trịnh Xuân Thuận, GS Trần Thanh Vân, và bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại lễ động thổ xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành trên bờ biển Quy Nhơn, tháng 12-2011
(Ảnh: Phan Cử).

Tháng 7, rồi tháng 12-2012, các cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ VII và thứ VIII liên tiếp diễn ra tại Quy Nhơn. Từ nhiều nước, hiện chưa có đường bay thẳng tới Quy Nhơn. Các nhà vật lý nước họ muốn tới đây, phải bay “vòng vèo” qua Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, rồi sáng sớm hôm sau, mới bay tiếp tới sân bay Phù Cát, lên xe buýt về khách sạn Hải Âu, dự cuộc gặp. Tuy thế, mấy trăm nhà vật lý nước ngoài, đông nhất là Mỹ và Pháp, vẫn có mặt. Số nhà vật lý châu Á đến dự cũng ngày càng đông hơn: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc khu hành chính Hong Kong, lãnh thổ Đài Loan, Singapore, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, v.v.

Ba nhà vật lý trẻ dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ VIII, tháng 12-2012 tại Quy Nhơn : Trần Hương Lan (Đại học Paris 11, Pháp), Nguyễn Như Lê, Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế, và Nguyễn Thị Diện (Đại học Virginia, Mỹ) (Ảnh: Hàm Châu)

Những cuộc gặp gỡ ấy chỉ là khúc dạo đầu, là cuộc tập dượt cho các nhà vật lý từ Âu, Mỹ xa xôi thông tỏ “đường đi lối về” tới Quy Nhơn, một thành phố có phần lạ lẫm đối với họ.

Điều mà GS Trần Thanh Vân trông đợi nhất, chính là cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX sắp được tổ chức cũng tại Quy Nhơn, từ ngày 28-7 đến 17-8-2013, gồm một loạt các hội nghị với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Thoạt đầu là hội nghị về Vũ trụ học và kỷ nguyên Planck song song với hội nghị về Lực hấp dẫn và thuyết tương đối rộng (từ 28-7 đến 3-8), rồi  hội nghị về Vật lý nano: Từ cơ bản đến ứng dụng (từ 4-8 đến 10-8), và sau đó, là hội nghị Cửa sổ nhìn ra Vũ trụ (từ 11-8 đến 17-8-2013).

Tám nhà bác học Giải thưởng Nobel đã nhận lời mời của GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Gặp gỡ Việt Nam, đến dự: Samuel Ting tức Đinh Triệu Trung (người Mỹ gốc Hoa, Nobel năm 1976); Sheldon Glashow (Mỹ, Nobel năm 1979); Jack Steinberger (quốc tịch Mỹ và Đức, Nobel năm 1988); Gerome Friedman (người Mỹ gốc Nga, Nobel năm 1990); Carlo Rubbia (người Italy, Nobel năm 1994); Martin Perl (Mỹ, Nobel năm 1995); David Gross (Mỹ, Nobel năm 2004); George Smoot (Mỹ, Nobel năm 2006).

Chưa một cuộc hội nghị khoa học quốc tế nào tổ chức tại châu Á mời được nhiều nhà Nobel như thế.

Bên cạnh các nhà bác học lỗi lạc nói trên, mấy trăm nhà vật lý nhiều nước cũng đã và đang ghi tên đến Quy Nhơn.

Các nhà vật lý người Việt Nam ở nước ngoài như Đàm Thanh Sơn, Lưu Lệ Hằng, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Trọng Hiền… cũng sẽ về dự.

Về vật lý hạt, có những nội dung thời sự như: Sự sinh ra và các tính chất của hạt Higgs; Tìm kiếm một vật lý học mới; Hiện tượng luận và vật lý học vượt qua Mô hình Chuẩn; Sự sinh ra và tính chất của các hạt quark nặng; Nghiên cứu về tương tác yếu và sắc động lực học lượng tử; Kết quả mới nhất về va chạm ion nặng; Vật lý neutrino trong phòng thí nghiệm; v.v.

Về vật lý thiên văn và vũ trụ học, sẽ đề cập đến các nội dung: Tia vũ trụ - các thí nghiệm mặt đất và vệ tinh; Thiên văn học tia gamma; Vật chất tối và năng lượng tối; Vũ trụ sơ sinh; Bức xạ nền vũ trụ, v.v.

Vũ trụ nơi chúng ta đang tồn tại và tư duy ra đời cách nay 13,7 tỷ năm, sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể kể lại lịch sử Vũ trụ ở thời điềm zero, thời điểm sáng tạo ra thời gian và không gian. Sừng sững dựng lên trước mắt ta một bức tường ngăn cách không cho ta tiếp cận tới sự hiểu biết về nguồn gốc đó. Bức tường ấy xuất hiện ở thời gian vô cùng nhỏ là 10-43  giây sau vụ nổ khởi thủy, được gọi là “thời gian Planck”. Ở thời điểm ấy, Vũ trụ có kích thước vô cùng bé 10-33 cm, được gọi là “độ dài Planck”. Cho nên hội nghị kể trên mới mang tên Vũ trụ và kỷ nguyên Planck.

Các ngôi sao và các thiên hà hằng đêm tỏa sáng trên vòm trời khiến ta say đắm chỉ chiếm 0,5% khối lượng Vũ trụ. Vật chất tối (dark matter) chiếm tới 25,5%.  Như vậy phần lớn khối lượng của Vũ trụ là tối tăm. Đó là một phát hiện thuộc loại đáng kinh ngạc nhất. Và tiếp theo là một phát hiện còn đáng kinh ngạc hơn: Choán đầy toàn bộ không gian còn lại là năng lượng tối (dark energy) mà ta chưa biết rõ bản chất. Thứ năng lượng tối huyền bí kia chiếm tới 74% tổng lượng vật chất và năng lượng của Vũ trụ! Nó là nguồn gốc tạo nên lực đẩy khiến Vũ trụ giãn nở ngày càng nhanh...

Những tìm tòi mới nhất về vật chất tối và năng lượng tối sẽ được thảo luận tại cuộc gặp lần này.

Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Vũ trụ Quốc gia cách Hồ Gươm Hà Nội 30 km, với diện tích 9 ha, gồm nhiều khu chức năng như trung tâm điều khiển công nghệ vũ trụ, trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ, nhà điều hành, trạm thiên văn, khu nghiên cứu, đào tạo, trạm mặt đất thu dữ liệu từ vệ tinh.

Trung tâm này sẽ là nơi sản xuất các vệ tinh dùng công nghệ radar, chứ không phải công nghệ quang học. Với công nghệ radar, ta có thể chụp ảnh toàn bộ Trái đất với độ phân giải rất cao và đặc biệt chụp được trong bất kỳ thời tiết nào.

Như vậy là, đến năm 2020, nước ta sẽ có một trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông-Nam Á.

Vậy nên nội dung Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX ở Quy Nhơn không phải là những gì quá xa lạ, viển vông đối với giới khoa học Việt Nam. Đây quả là “cơ hội nghìn vàng” để các nhà vật lý hạt, vật lý  thiên văn và vũ trụ học nước ta tiếp xúc với các nhà bác học bậc thầy và các đồng nghiệp tài giỏi trên thế giới.

HÀM CHÂU